Cần có số liệu kiểm kê khí nhà kính thực chất hơn

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), nguồn số liệu đầu vào kiểm kê khí nhà kính (KKKNK) từ các tỉnh, thành phố còn chưa đầy đủ và chưa đảm bảo chất lượng.

Hiện nay, Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường (Tổng cục Thống kê) đang phối hợp với Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ ba cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Hoạt động chính là thu thập thông tin kiểm kê khí nhà kính của 6 lĩnh là: năng lượng, giao thông, quá trình công nghiệp, nông nghiệp, LULUCF, chất thải. Từ đó, hình thành cơ sở dữ liệu để xây dựng/cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, giảm nhẹ lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia theo nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam phải thực hiện.

Số liệu đầu vào kiểm kê khí nhà kính từ các tỉnh, thành phố chưa đảm bảo chất lượng (Ảnh: Hoàng Minh)

Qua quá trình thu thập số liệu theo đường công văn và một số số liệu theo phương pháp chuyên gia từ tháng 5/2016 đến nay, Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường đã nhận được phản hồi từ 5/5 Bộ/ngành, 39/63 tỉnh/thành phố. Theo ông Đỗ Anh Kiếm, Vụ trưởng Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường đánh giá: Hầu hết các đơn vị đều nỗ lực cung cấp số liệu có thể thu thập được theo biểu mẫu của Quyết định 2359 phê duyệt Hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính. Tuy vậy, hầu hết các đơn vị báo cáo không cung cấp được đầy đủ số liệu như yêu cầu. Một số nơi gửi sai năm báo cáo hoặc nguồn số liệu không chính thức (báo cáo dự án, báo cáo nghiên cứu…) nên không đảm bảo chất lượng số liệu.

Các đơn vị cũng chủ động nêu những khó khăn trong quá trình thực hiện như thiếu nguồn tài chính, thiếu hướng dẫn thu thập cụ thể, do chưa có chế độ báo cáo hay nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Ông Trần Hồng Nguyên, chuyên gia KKKNK lĩnh vực năng lượng cho biết: Quá trình thu thập dữ liệu hoạt động cho thấy, đối với mỗi tiểu lĩnh vực chưa nhiều và chưa được ghi chép thường kì, đầy đủ. Lấy ví dụ, muốn thu thập số liệu tiêu thụ của 1 nhà máy cần phải có thông tin về công nghệ, tiêu thụ điện năng, sản lượng nhiên liệu, chế độ vận hành… Sự hiểu biết của các nhà vận hành, người ghi chép các dữ liệu có thể chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan thu thập dữ liệu, đồng thời, sự phối hợp giữa hai bên còn khá mờ nhạt.

Theo đại diện Bộ NN&PTNT,  biểu mẫu về kiểm kê hiện nay theo Quyết định 2359 có một số yêu cầu quá chi tiết, khó kiểm tra theo hệ thống quản lý của ngành nên chưa thể đưa ra hướng dẫn kiểm kê cho đơn vị chuyên môn. Bên cạnh đó, một số hướng dẫn của IPCC chưa phù hợp với năng lực và thực tế quản lý phát thải hiện nay của Việt Nam.

Để công tác KKKNK về sau tiếp tục vận hành trơn tru, TS Nguyễn Phong, chuyên gia thống kê cho biết: Hiện Tổng cục Thống kê đang xây dựng khung các chỉ tiêu thống kê trong sách hướng dẫn thu thập số liệu hoạt động. Trong đó đưa ra yêu cầu và nội dung tính toán phát thải của từng lĩnh vực, cùng với hướng dẫn thực tế về cách tiếp cận có thể được sử dụng để đảm bảo tính chính xác cho dữ liệu và kết quả của lĩnh vực, dựa trên kinh nghiệm quốc tế.

Đối với mỗi tiểu lĩnh vực cụ thể, ngoài tóm tắt các yêu cầu dữ liệu sẽ có thêm yêu cầu về thông tin bổ sung để các đơn vị đưa vào ý kiến, phương pháp cần thiết dựa trên thực tế kiểm kê, nhằm nâng cao tính chính xác cho dữ liệu. Ví dụ trong lĩnh vực năng lượng, khi đốt nhiên liệu khác nhau thì công nghệ và lượng phát thải cũng khác nhau…

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục KTTV&BĐKH cho rằng: Cần phải đẩy mạnh xây dựng hệ thống báo cáo cơ sở, sớm thể chế hóa và đưa hệ thống này vào hoạt động. Theo đó, các Bộ ngành sẽ tự tổng hợp các báo cáo kiểm kê của lĩnh vực rồi gửi Tổng cục Thống kê. Ngoài ra, hướng dẫn của IPCC hiện nay nhằm đảm bảo số liệu có chất lượng cao nhất, và khuyến khích áp dụng dựa trên điều kiện tốt nhất có thể của quốc gia đó. Các Bộ ngành hoàn toàn có thể thay đổi phương pháp kiểm kê, quan trọng là đảm bảo được các yêu cầu minh bạch, rõ ràng, nguồn gốc số liệu…

Theo ông Đỗ Anh Kiếm, công tác KKKNK cực kì quan trọng để hình thành Hệ thống kiểm kê Khí nhà kính quốc gia. Các Bộ, ngành cần chủ động tham vấn để bổ sung các ý kiến xây dựng hệ thống KKKNK, thiếu mảng số liệu nào mà còn thấy làm được thì hoàn thiện hướng dẫn, khung chung nhất. Khi áp dụng vào thực tế còn phải cụ thể hóa hơn nữa để sau đó vận hành một cách thuận lợi./.

Fanpage
Liên kết website